Thursday, September 4, 2008

Ba làn sóng công nghệ thông tin

Bài này tớ viết tùy hứng, không có references và không kiểm định tính đúng sai :)

Làn sóng thứ nhất: máy tính cá nhân và nhu cầu ứng dụng máy tính trong công việc kinh doanh

Được bắt đầu từ khi Bill Gate bỏ đại học Havard để thành lập Microsoft vào đầu năm 80s. Một đế chế hùng mạnh nhất trong ngành công nghiệp thông tin được trào đời. Lúc đó tôi vẫn còn bú mẹ :)
Bạn có bao giờ tự hỏi: Điều kiện thuận lợi nào đã khiến cho một Microsoft trẻ người non dạ qua mặt được đàn anh dày dạn kinh nghiệm, tên tuổi lẫy lừng IBM để vươn lên ngôi bá chủ?
Theo tôi đó chính là do "môi trường thay đổi" khiến chú khủng long ăn cỏ IBM phải lao đao và tạo điều kiện cho Microsoft tí hon trở nên thành khủng long bạo chúa:

Trước năm 80, máy tính là thứ hàng xa xỉ phẩm. Chỉ có những trường, viện nghiên cứu lớn được nhà nước tài trợ mới có máy tính để tìm tòi nghiên cứu. Còn nhớ Bill Gate hồi mới tiếp xúc với máy tính phải dùng một máy đầu cuối, gửi chương trình của mình dưới dạng băng giấy tới một máy tính trung tâm ở nơi khác. Máy tính trung tâm đó sẽ chạy chương trình và trả lại kết quả cho máy đầu cuối. Bill Gate xem kết quả trả về, nếu có lỗi thì phải sửa chương trình, viết lại chương trình trên băng giấy khác rồi tiếp tục vòng lặp nói trên. Tưởng tượng thế thôi đã thấy việc lập trình trước năm 80 vất vả và mất thời gian như thế nào. Gần giống truyện "thầy bói mù xem voi" của Việt Nam :)

Đầu năm 80 bắt đầu xuất hiện máy tính cá nhân với giá rẻ nhờ công nghệ với và việc được sản xuất hàng loạt. IBM lúc đó đã bán máy tính giúp trợ giúp việc kinh doanh (IBM = International Bussiness Machine) với giá tiền rất cao và chỉ có những công ty lớn, việc quản lý kinh doanh phức tạp mới cần và có tiền mua được. Chính IBM khởi đầu cho máy tính cá nhân và đặt hàng Microsoft viết hệ điều hành (sau này là DOS) cho dòng máy tính đó. Rất tiếc là IBM lúc đó chỉ tập trung vào việc bán máy (phần cứng) mà thương thảo hợp đồng với Bill Gate không cẩn thận, để Bill Gate nắm thế chủ động trong việc kiểm soát hệ điều hành (phần mềm). Tiếp sau đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của máy tính cá nhân. Hàng loạt các hãng sản xuất máy tính theo kiến trúc máy tính của IBM với giá ngày càng rẻ va tốc độ xử lý ngày càng tăng. IBM dần dần mất thì phần bán máy. Ngược lại Microsoft càng ngày càng mở rộng được thị trường phần mềm nhờ hệ điều hành DOS gần như được đính kèm sẵn với những máy tính cá nhân giá rẻ đó.

Microsoft bắt đầu phát triển các sản phẩm hỗ trợ việc kinh doanh và ứng dụng văn phòng trên nền hệ điều hành của mình. Bộ Microsoft Office, bộ quản trị dữ liệu Access cùng ngôn ngữ lập trình BASIC ngày càng trở nên phổ biến và thống trị thị trường máy tính cá nhân.

Làn sóng thứ hai: mạng Internet, web, và sự bùng nổ thông tin

Năm 1992 Internet ra đời. 1997, Internet đến Việt Nam. Lúc đó tôi học cấp 3, và bắt đầu có chiếc máy tính đầu tiên. Internet là gì, tôi không hề biết.
Sự khởi nguồn và những thay đồi do làn sóng này mang lại cũng giống như làn sóng trước. Bắt đầu từ nhu cầu của bộ quốc phòng Mỹ, cần truyền thông liên lạc nội bộ (mạng intranet). Bộ quốc phòng Mỹ bỏ tiền để các nhà khoa học chế tạo nên một giao thức truyền thông đơn giản mà hiệu quả. Giao thức TCP/IP ra đời từ đó và trở thành nền tảng của mạng Internet kết nối hàng tỷ máy tính và người dùng trên thế giới hiện nay. Tiếp đó giao thức HTTP ra đời giúp người dùng trao đổi tài liệu một cách hết sức dễ dàng. Tôi tạo một trang web, "bỏ" vào một "địa chỉ" trên mạng. Tôi báo cho bạn biết địa chỉ này, bạn dùng nó để xem tài liệu tôi viết. Rất đơn giản và tiện lợi. Ai cũng làm được. Việc tạo và trao đổi thông tin dễ dàng khuyến khích người dùng tạo ra nội dung số và truyền thông với nhau qua mạng máy tính. Giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý và tạo ra những cơ hội có một không hai cho toàn nhân loại. Microsoft lúc này đã yên vị ở ngôi khủng long bạo chúa và ở vào tình huống tương tự như IBM hồi trước. Lần "môi trường thay đổi" đã/sẽ khiến Microsoft lao đao và trở nên lụi bại.

"những cơ hội có một không hai cho toàn nhân loại" đó là: Tự do thương mại (điện tử) => Amazon và eBay hoặc như Hai Lúa ở Vietnam có thể tạo website chào hàng với toàn thế giới. Tự do liên lạc với các sản phẩm chat trực tuyến như Yahoo Messenger, voice chat như Skype. Tự do sáng tạo => online Games, Forum, Blog. Nhờ sự tự do mà Internet mang lại, càng nhiều người sử dụng và đóng góp tri thức của mình vào nó. Internet đã trở nên một kho tri thức khổng lồ, một sân chơi bao la, một môi trường làm việc, thông tin liên lạc không thể thiếu với toàn thế giới. Với tôi, ngày nay mà thiếu Internet cũng giống như là thiếu điện thiếu nước vậy.

Microsoft đã không đánh giá đúng tiềm năm của Internet, say sưa kiếm tiền với những sản phẩm trên "máy tính cá nhân" mà bỏ lơ các sản phẩm cho "máy tính toàn cầu" - mạng Internet. Google ra đời năm 1998 là nhờ các ông lớn (Microsoft, Yahoo, NEC) bỏ lơ thị trường search engine. Với chiến lược đúng đắn, sau 10 năm (2008) Google đã trở thành bá chủ của Internet. Microsoft tuy nhiều tiền lắm của cũng không thể cạnh tranh được. Vì sao vậy? Bạn có bao giờ tự hỏi?

Đó là vì sự phát triển cần một thời gian ấp ủ và nuôi dưỡng lâu dài theo hướng đi đúng đắn. Cái Microsoft không thể dùng tiền để mua là thời gian và sự sáng tạo. Có thể bỏ rất nhiều tiền để thuê nhân công, để mua máy tính, để xây dựng khu công nghiệp phần mềm. Nhưng không thể bỏ tiền để ý tưởng trưởng thành một sớm một chiều. Ý tưởng cần những bộ óc lớn phôi thai, và nuôi dưỡng. Ý tưởng cần những bộ óc khoáng đạt, không bị cái lợi nhỏ làm mờ mắt để phát triển. Ý tưởng cần niềm cảm hứng, niềm đam mê bồi đắp để ngày càng trở nên mạng mẽ. Những cái đó, tiền hoặc rất rất nhiều tiền đều không thể mua được.

Theo tôi Microsoft không nắm được làn sóng thứ hai vì tư tưởng Microsoft lúc đó không đủ khoáng đạt bằng hai cậu sinh viên bộ môn khoa học máy tính của Stanford (hai thành viên sáng lập Google). Làm nghiên cứu với niềm đam mê thực sự và nhờ có niềm đam mê đó ý tưởng đã phôi thai đã tới và trưởng thành nơi họ.

Hiện tại tôi đang làm lập trình viên phát triển ứng dụng web phần lớn là vì tôi yêu thích Internet. Yêu thích sự khoáng đạt, và kho tri thức khổng lồ nơi Internet. Một sản phẩm web app có thể phục vụ triệu triệu người dùng hết sức hiệu quả với giá rẻ hoặc hoàn toàn miễn phí (như Google Search, Mails, Chat ..). Tôi nhận ra làn sóng thứ hai hơi chậm do những yếu tố chủ quan và khách quan. Khách quan là do hồi đó Vietnam còn nghèo, sinh viên còn nghèo hơn, làm sao có tiền mà kết nối mạng Internet. Tôi bắt đầu dùng Internet vào năm 2003, lúc đó đã tốt nghiệp và đi làm, phần nhiều vẫn dùng Internet ở cơ quan. Ở Vietnam lại nhớ mạng Internet đã mang cơ hội đến với Netnam đầu tiên. Nhưng thật tiếc họ đã không biết tận dụng để phát triển thành một tập đoàn lớn. Để VDC và FPT dù đến muộn vài năm qua mặt dễ dàng. Tôi tự hỏi mình "có phải Netnam không đủ khoáng đạt nên ý tưởng và cơ hội đã dời đi tìm chỗ khác?".

Từ khi sang Singapore học tập, tôi có điều kiên trau dồi tiếng Anh và đọc được nhiều tài liệu tốt về Khoa học máy tính, programming và Web 2.0. Từ đó giúp tôi định hình và nắm bắt được làn sóng thứ hai này. Tôi tự hào nói rằng tôi đã không bị tụt hậu :) Tôi đang cưỡi trên làn sóng thứ 2 này. Nó sắp tiến tới mốc phát triển đỉnh cao nhất. Bạn sẽ thấy ngày càng nhiều ứng dụng web ra đời. Và các nước nghèo sẽ khai thác Internet để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển ra sao.

Làn sóng thứ 3: Tự do tính toán với chip đa lõi và xử lý song song

Rất mới thôi, năm 2007, làn sóng này manh nha hình thành với việc Intel công bố chip đa lõi sẽ là bước phát triển chiến lược tiếp theo của hãng và Nvidia cho ra đời kiến trúc bộ xử lý đồ họa Tesla cho phép người dùng tận dụng sức mạnh tính toán (khủng khiếp) của card đồ họa cho các tác vụ khác. Lúc đó nhờ việc học lập trình Game mà tôi quan tâm tới cấu hình máy tính bình dân nhưng mạnh về khả năng tính toán. Cũng như những làn sóng trước. Lúc khởi đầu, rất ít người để ý tới nó. Bạn hãy tưởng tượng với chip đa lõi và card màn hình mạnh, vào năm 2009, một cậu sinh nhiên nhàng nhàng cũng có thể lắp được một dàn máy với khả năng xử lý vài TeraFLOPS (mạnh gấp hàng trăm lần siêu máy tính Deep Blue đánh bại kiện tướng cờ vua thế giới). Chàng sinh viên mơ mộng này có thể dùng sức mạnh tính toán này để làm gì? Tôi cũng không thể biết :D Có thể là:
  • Dự báo thời tiết để giúp cha mẹ cậu chủ động việc đồng áng?
  • Dự đoán kết quả xổ số để trúng to hơn?
  • Phá mật mã kiếm tiền ăn quà vặt?
  • Giải bài toán phân luồng giao thông cho Hà Nội đỡ tắc nghẽn hơn?
  • .........................................
Tôi mời bạn hãy làm dài thêm danh sách ở trên và cùng nhau nhìn nhận cơ hội khi làn sóng thứ 3 này chảy qua.

Cuối cùng, xin cảm ơn những ông tổ đã khai sinh ra nền khoa học máy tính và điện toán hiện đại. Bạn hãy đọc một bài viết rất hay của anh Hưng về những con người đó.

No comments: